Tích cực thực hiện chuyển đổi số vì mục tiêu quốc gia điện tử
Với giải pháp này, các đại biểu Quốc hội hoàn toàn chủ động trong việc đăng ký, thực hiện xét nghiệm, nhận kết quả, phù hợp với lịch trình làm việc của mình. Đặc biệt, với hệ thống dữ liệu được cập nhật đồng bộ, theo thời gian thực, việc kiểm soát kết quả xét nghiệm được đảm bảo chính xác, bảo mật và thuận tiện.
Đánh giá về sử dụng công nghệ trong phòng chống dịch bệnh Covid, ĐBQH Lê Văn Cường (Thanh Hoá) cho biết sử dụng mã QR code đang cho hiệu quả nhanh chóng và đã trở nên thông dụng với đa số người dân. Bất cứ đâu, khi nào người dân đều được yêu cầu quét mã QR code. Giải pháp này cần được đẩy mạnh để hỗ trợ các địa phương tổ chức xét nghiệm, lấy mẫu cộng đồng, phân vùng cấp độ dịch giúp kiểm soát mức độ nguy cơ.
Trong khi đó ĐBQH Hồ Thị Minh, (Quảng Trị) cho rằng, để đồng bộ công tác phòng chống dịch Covid ngành y tế cần tham mưu cho Chính phủ chỉ nên sử dụng một phần mềm duy nhất cho người dân thông qua điện thoại thông minh. “Chúng ta xác định dịch bệnh này không thể biến mất, phải sống và thích nghi để mỗi người dân thấy được các biện pháp 5K, cộng với chính sách và các giải pháp công nghệ sẽ giúp mỗi người dễ dàng trong việc di chuyển”, bà Minh nói.
Theo Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) – đơn vị phối hợp với Cục Quản trị, Văn phòng Quốc hội triển khai thực hiện chương trình xét nghiệm tầm soát tại kỳ họp lần này, việc đổi mới phương thức lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm cho đại biểu Quốc hội là yếu tố tiên phong đánh dấu nỗ lực đẩy mạnh chuyến đổi số trong hoạt động của Văn phòng Quốc hội, hướng đến mục tiêu xây dựng Quốc hội điện tử.
Phó cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Bộ Y tế) Nguyễn Trường Nam, đơn vị chủ trì Việt Nam Khoẻ Mạnh cho biết, việc ứng dụng các nền tảng công nghệ trong cuộc chiến chống Covid-19 đã trở thành một trong những giải pháp giúp nhiều nhiều địa phương, đơn vị có thể khống chế được dịch bệnh.
“Với sự đồng hành của Cục tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian ngắn chúng tôi đã hoàn thành sản phẩm để đưa vào triển khai khắp 30 tỉnh thành, đồng thời triển khai công tác lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng. Giải pháp công nghệ đã khẳng định sự cần thiết, góp phần hiệu quả phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh, quản lý, vận hành xã hội; đồng thời, khôi phục, duy trì và phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới”, ông Nam nhấn mạnh.
Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế triển khai ứng dụng nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước đại dịch Covid-19.
Chương trình xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho 3.000 đại biểu Quốc hội và lực lượng hỗ trợ tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khoá XV (từ 13.10 đến ngày 12.11) dựa trên nền tảng công nghệ đã đánh dấu nỗ lực chuyến đổi số quốc gia. Kết quả xét nghiệm được hệ thống cập nhật ngay trên website, qua tin nhắn, email và được kết nối với cơ sở dữ liệu xét nghiệm của Bộ Y tế và Bộ Thông tin – Truyền thông để hiển thị trên ứng dụng PC-Covid.
Nền tảng công nghệ số đã thể hiện sự ưu việt khi góp phần mang đến những trải nghiệm mới, những tiện ích thuận tiện trong quá trình phục vụ kỳ họp Quốc hội. Kết thúc kỳ họp, các đại biểu rất phấn khởi khi trở về địa phương đã có kết quả xét nghiệm trực tuyến trên hệ thống vnkm.yte.gov.vn để tiếp tục công tác tiếp xúc cử tri mà không phải đến Văn phòng Quốc hội xin phiếu trả kết quả như những lần trước” – đại diện Văn phòng Quốc hội chia sẻ. Nhiều đại biểu cũng yên tâm dùng kết quả xét nghiệm trực tuyến này để đi máy bay mà không phải test lần nữa, đồng thời cũng quản lý được lịch sử xét nghiệm của cá nhân đại biểu. Việc ứng dụng giải pháp công nghệ vào quá trình xét nghiệm là ví dụ rõ nét, đánh dấu nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của Văn phòng Quốc hội, hướng đến mục tiêu xây dựng Quốc hội điện tử.
Đánh giá về việc đại biểu Quốc hội triển khai xét nghiệm Covid-19 trên ứng dụng công nghệ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ông Tạ Văn Hạ cho rằng các đại biểu Quốc hội nhận thức rất rõ vai trò của ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch và phát triển kinh tế nên phải đi trước, đi đầu, tích cực trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và tạo cơ chế hành lang pháp lí cho việc ứng dụng công nghệ.
Cục công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, nền tảng Việt Nam Khoẻ Mạnh sẽ được đẩy mạnh triển khai để hỗ trợ các địa phương tổ chức xét nghiệm, lấy mẫu cộng đồng, đồng thời tổng hợp thông tin dịch bệnh, phân vùng cấp độ dịch để giúp các địa phương kiểm soát mức độ nguy cơ. “Tiến tới, chúng tôi đặt mục tiêu độ phủ của nền tảng này sẽ có tại 63 tỉnh, thành để các địa phương đánh giá mức độ ảnh hưởng và chủ động đưa ra các chính sách phát triển kinh tế – xã hội phù hợp”, Phó cục trưởng Nguyễn Trường Nam cho biết.
Theo daibieunhandan.vn